Thể Thao 247 - Mấy ngày vừa qua, clip một cậu bé 3 tuổi cầm vô lăng điều khiển xe ô tô trên phố đã thu hút không ít chú ý từ dư luận, cùng với đó là rất nhiều ý kiến chỉ trích. Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu tiên sự việc này diễn ra. Vậy, việc cho trẻ nhỏ cầm vô lăng – những phụ huynh này đang quá vô tâm hay còn là sự coi thường pháp luật?
Ngày 4/4/18, một chủ tài khoản facebook có tên Hương Tiến đăng tải clip kèm theo dòng trạng thái. "Hza có khi e phải cố gắng cày để tậu thêm em nữa cho zai nhà em ạ, 3 tuổi đã lái xe ô tô rồi, 2 năm nữa nó đòi xe riêng quá, cày rụng răng rồi các bác ạ. Hza k muốn cho zai lái xe mà có khi k dk rồi,".
Trong clip là một bé trai 3 tuổi đang cầm vô lăng điều khiển chiếc xe đi trên phố trong sự thích thú của bố mẹ, đoạn clip ngắn nhưng khiến người xem không khỏi rùng mình.
Đáng buồn đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi phụ huynh ở Việt Nam cho con ngồi cùng ở vị trí tài xế hoặc thậm chí để trẻ chủ động đánh lái. Trước đây, dư luận đã không ít lần phẫn nộ trước những hình ảnh tương tự. Ngày 6/1/18 là hình ảnh một người phụ nữ để con ngồi trên đùi, cháu bé cầm vô lăng tự lái xe giữa trời mưa.
Tháng 12/2017, một bé trai được cho là khoảng 10 tháng tuổi được người bác cho ngồi lên lòng sau đó điều khiển vô lăng của chiếc xe tải đang phóng với tốc độ cao ở trên đường.
Và còn rất rất nhiều những sự việc tương tự đang diễn ra, hàng ngày, hàng giờ cùng với sự vô tâm của nhiều bậc cha mẹ. Liệu những vị phụ huynh này đang quá coi thường tính mạng của người khác, tính mạng của con em mình, hay thậm chí còn là sự coi thường pháp luật?
Hành động này, cho đến nay tại sao vẫn thường xuyên tiếp diễn?
Với hành vi cho trẻ nhỏ cầm vô lăng, pháp luật có quy định xử lý như thế nào?
Điều 205 Bộ luật hình sự quy định: Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”