Thể Thao 247 - Những mẫu ô tô Trung Quốc mới nhập khẩu về Việt Nam mang thương hiệu Zotye trực tiếp cạnh tranh với các thương hiệu ngoại vốn đã nổi đình đám như Range Rover, Porsche, Ford, Chevrolet, Mazda,...
Nội dung chính
Làn sóng ô tô Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam ngày càng ồ ạt. Mới đây nhất là 2 mẫu SUV mang thương hiệu Zotye, cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe của thương hiệu ngoại đã có mặt trên thị trường Việt Nam.
Hàng loạt ô tô Trung Quốc mới nhập khẩu về Việt Nam
Sau hơn 20 năm tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, thông qua chính sách ép các hãng xe ngoại phải lập liên doanh 50:50 với doanh nghiệp ô tô trong nước và áp thuế nhập khẩu cao, giờ đây Trung Quốc đã có những thương hiệu ô tô nội địa cạnh tranh được với hàng ngoại.
Hai mẫu SUV mới của hãng xe Trung Quốc Zotye vừa nhập khẩu vào Việt Nam là Zotye T300 và Zotye Sport 2017.
Zotye T300 thuộc phân khúc SUV cỡ nhỏ, là đối thủ cạnh tranh với Ford EcoSport, Suzuki Vitara, Chevrolet Trax,... Mẫu xe thứ hai là Zotye Sport 2017. Tại Việt Nam, Zotye Sport cạnh tranh với Honda CR-V, Mazda CX-5 nhưng có giá rẻ hơn khoảng 200 triệu đồng so với đối thủ.
Zotye T300 có thiết kế ngoại thất khá hiện đại, đẹp mắt, được trang bị đèn pha dạng thấu kính, đèn sương mù cỡ lớn. La-zăng kích thước 17 inch, có cửa sổ trời toàn cảnh, ghế lái chỉnh điện bọc da, điều hòa tự động, động cơ 1,5 lít tăng áp,...
Trong khi đó, Zotye Sport 2017 thu hút sự chú ý nhờ thiết kế khá ấn tượng do cóp nhặt đường nét của nhiều thương hiệu lớn như Range Rover, Audi và Porsche. Zotye Sport 2017 được trang bị vành 18 inch, rửa đèn và gạt mưa tự động. Nội thất bên trong khá nịnh mắt với nội thất bọc da, vô lăng tích hợp lẫy chuyển số, màn hình cảm ứng 10 inch,... Các tính năng an toàn đầy đủ như phanh ABS, phân bổ lực phanh EBD, cân bằng điện tử ESP, trợ lực lái HPS, phanh tay điện tử, kiểm soát độ bám đường TSC, 6 túi khí,...
Cuối năm 2017, BAIC - một thương hiệu khác của Trung Quốc cũng đã đưa về Việt Nam mẫu BAIC V2. Cũng là mẫu SUV cỡ nhỏ nhưng có hàng loạt tính năng cao cấp. Hệ thống an toàn trang bị khá đầy đủ. Động cơ 1.5L, công suất 114 mã lực, giá bán 468 triệu đồng, rẻ nhất trong phân khúc. Ngoài ra, Đông Phong cũng đã cho ra mắt hàng hoạt các mẫu xe như Joyear S50, Joyear X5, Joyear XV, Joyear X6 tại thị trường TP Hồ Chí Minh.
Có thể thấy rằng ô tô Trung Quốc không hề có ý định từ bỏ thị trường Việt Nam. Trước kia là Lifan, BYD, Chery Qingqi,... thì nay là BAIC, Zotye và Đông Phong.
Người tiêu dùng Việt Nam có sẵn sàng đón nhận ô tô Trung Quốc?
Định kiến về chất lượng của xe "Made in China" chắc chắn vẫn còn tồn tại trên toàn cầu và về mặt nào đó, định kiến này vẫn đúng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chất lượng xe Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua với các thương hiệu nội địa hàng đầu đều đã có bước nhảy vọt trong chất lượng chế tạo. Theo Phó chủ tịch thiết kế của Volvo ông Robin Page, chất lượng xe lắp ráp từ các nhà máy Trung Quốc thậm chí đã vượt qua nhiều trung tâm chế tạo danh tiếng tại châu Âu.
Tuy nhiên, việc thuyết phục khách hàng Việt Nam tin tưởng vào ô tô Trung Quốc vẫn chưa đem lại kết quả mong muốn. Tính đến nay, ô tô Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam được hơn 10 năm. Nhưng, những ai mua xe Tàu vẫn bị gọi đùa là “chuột bạch”. Người Việt Nam rất khao khát sở hữu ô tô và ít tiền, vậy nhưng lại không ưa chuộng xe Trung Quốc.
Thời gian đầu, khi mới nhập xe về Việt Nam, lượng xe bán ra ở mức chấp nhận được, kiểu dáng lại giống hệt các mẫu xe ăn khách của các thương hiệu ngoại và giá thành cực rẻ. Trong quá khứ, người tiêu dùng Việt đã từng sở hữu ô tô Trung Quốc, nhiều khách hàng đã mua BYD F0, Chery QQ3, Lifan 502,... sau khi thích thú với mẫu xe này một thời gian ngắn thì cái giá phải trả cũng không nhỏ khi nhiều chi tiết nhất là phần điện tử hay hỏng, nội thất nhanh xuống cấp.
Chưa kể giá trị bán lại của xe Trung Quốc nhanh chóng xuống mức “đồng nát” bởi hậu mãi gần như không có trong khi chất lượng xe "hên xui", chẳng may gặp chiếc xe lắm bệnh thì thành ra mình phục vụ xe chứ không phải xe phục vụ mình như lẽ thường thấy. Đó là lý do xe Trung Quốc nhanh chóng mất giá sau thời gian ngắn, việc thanh lý khó khăn khiến nhiều chủ xe ngậm ngùi sống chung với lũ, hỏng đâu thay đó. Không chỉ người dùng, giới buôn xe cũ cũng gần như nói không với xe Trung Quốc ngay cả khi được chào với giá rẻ bởi rất khó bán dẫn đền đọng vốn chi phí mặt bằng tăng…
Chính vì vậy nhiều người Việt đều lắc đầu khi được hỏi có ý định mua ô tô Trung Quốc hay không? Đa số đều cho biết sẵn sàng mua một chiếc xe ở phân khúc thấp hơn trong tầm giá hoặc tìm kiếm xe đã qua sử dụng miễn có thương hiệu như xe Nhật, Mỹ, Hàn. Trên thực tế, ô tô Trung Quốc tại Việt Nam khó có thể để lại dấu ấn mãnh liệt như xe máy cách đây nhiều năm. Bởi ngay từ những hàng hóa giá rẻ người tiêu dùng Việt đã khó chấp nhận dòng chữ “Made in China” chứ đừng nói đến một chiếc ô tô với giá trị ngang một gia tài và ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của người sử dụng.
Dù chưa đề cập tới khó khăn trong hệ thống bán hàng, hậu mãi và chất lượng về lâu về dài chính cái mác Trung Quốc khiến những thương hiệu này rất khó khăn để tiếp cận khách Việt. Không riêng tại Việt Nam, xe Trung Quốc cũng gặp khó khi muốn vươn ra thị trường nước ngoài nên giải pháp mua lại các thương hiệu lớn trên thế giới đang được các công ty nội địa tích cực áp dụng.
Vì lẽ đó, để thực hiện tham vọng tại Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để lấy lại niềm tin của người dùng Việt.