- Ấn tượng đầu tiên của tôi về Dũng Phạm là ở buổi Offline DOG Brothers, được xếp 1 trận đánh gậy, nhưng ngay từ khi vào trận, Dũng vứt luôn gậy và lao vào takedown đối thủ, trận đấu kết thúc với vỏn vẹn... 20 giây. Nghe mọi người bàn tán, tôi mới biết anh được giới BJJ Hà Nội gọi vui với cái tên “Chiến thần Dũng “hói””.
BJJ thay đổi cuộc đời Dũng: Trước đó, anh chỉ đi học và ... đi chơi thôi
Lần gặp thứ 2 với Dũng, tôi mới biết thêm nhiều thông tin về anh. Sinh năm 1992, là Việt kiều Đức, đang giữ đai nâu BJJ và là HLV chính của Dũng Phạm BJJ Team, hiện đang tập luyện tại Agoge Hà Nội, mới về Việt Nam được vài năm, thời gian trước đây anh sống và học tập tại Đức.
Nói về thời gian trước khi tập Jiu-Jitsu, Dũng "hói" kể, lúc đó cảm thấy cuộc sống đơn thuần chỉ xoay quanh việc học nghề, đi chơi, đi làm, rồi lại loanh quanh như vậy - không có mục tiêu gì cả. Cho đến khi bắt đầu đi tập, anh mới nhận ra niềm cảm hứng và sự hứng thú lại lớn như thế.
”Trước Jiu-Jitsu, anh chỉ đi chơi thôi, đi chơi, đi bar các thứ… sau này lúc khoảng 20 tuổi, thấy sức khỏe yếu mới bắt đầu tập thể thao. Mà anh không phải bắt đầu với Jiu-Jitsu đâu, anh bắt đầu đi chạy, dần dần đi chạy chán mới chuyển sang tập gym, rồi cũng chán, lúc ấy mới tính học võ và mới bắt đầu “dính” vào BJJ, lúc đó là khoảng đầu năm 2013.”
Dũng Phạm kể, để có tiền theo đuổi niềm đam mê anh còn phải đi làm thêm để kiếm tiền: “Lúc ấy anh vẫn đang đi học nghề, nhưng tập 2 tháng thấy Jiu-Jitsu cảm giác vui quá, anh quyết định … bỏ nghề, đi đường võ, lúc đó bắt đầu đi tập fulltime. Một ngày 3 ca, bắt đầu từ 10 giờ sáng, liên tục đến 12 giờ trưa và thêm 30 phút tập gym, về nhà ăn ngủ rồi 6 giờ lại quay lại phòng tập đến 8h, đôi khi còn đi chạy hay gym với các anh em trong phòng. Liên tục, cứ 3 tháng như vậy, từ thứ 2 đến chủ nhật, cho đến khi được 3 tháng thì … hết tiền.” - Đột nhiên nhắc lại khoảng thời gian đó, anh bật cười và bảo “Lúc ấy hết tiền rồi, phải bỏ Chủ Nhật ra để đi làm thêm."
Tôi nhận ra, như thứ Tiếng Việt bập bõm khi trả lời phỏng vấn, Dũng đơn giản đến mức nhiều người cảm thấy kì lạ, không biết đến những câu chuyện xã hội, không biết “tán gái”, cũng chẳng có nhiều sở thích, mọi thứ với anh chủ yếu xoay quanh thảm tập và sân đấu. Giống cái cách mà anh huấn luyện, Dũng yêu cầu học viên thực hiện đi thực hiện lại các bài tập kĩ thuật, để người tập có thể biến chúng thành bản năng trên mặt thảm.
“Lúc đầu mình xem và định tập MMA cơ, nhưng thầy bảo nên tập một môn gì trước, lúc đấy thấy Jiu-Jitsu cũng ham, người bé thắng được người to bằng kĩ thuật. Mà lúc ấy chỉ định đi tập để giảm cân thôi, chứ không có ý định đi tập với đi đấu chuyên nghiệp đâu. Tập 5 tháng, lên đai xanh rồi thì bắt đầu đi đấu, từ lúc ấy đấu nhiều lắm, tổng cộng thời gian đi đấu ở đai xanh là khoảng 10 giải cơ, không nhớ hết được. Sau đấy khoảng 1 năm rưỡi thì lên đai tím, sau 1 năm nữa thì lên đai nâu, giờ giữ đai nâu được 2 năm rồi, càng lên đai cao thì thời gian đấu càng ít đi. Trước kia còn đi làm lấy tiền đi chơi, nhưng từ khi đi tập Jiu-Jitsu cả đi làm thì không có thời gian đi chơi nữa, ít. Có nghĩa là thay đổi cuộc sống luôn””
“Tức là BJJ thay đổi hoàn toàn luôn” - tôi hỏi- “Đúng rồi, thay đổi hết mà, một trăm phần trăm luôn” - Dũng thản nhiên đáp.
Về thành tích, Dũng cũng chẳng nhớ mấy tên những giải đấu mình tham gia : “Anh không quan tâm giải nào với giải nào đâu, có điều kiện là đấu thôi, cứ đi rồi đấu hết sức. Anh chỉ nhớ một số giải lớn nhất là còn ở bên Đức giải của IBJJF, ở Thái Lan được vàng, và 1 số giải trên tuyển thôi, còn chả nhớ tên”.
Thành công nhưng gia đình vẫn không ủng hộ
Kể cả khi đã có nhiều thành tích khi thi đấu cho tuyển quốc gia và trên danh nghĩa cá nhân, con đường của Dũng cũng không được người thân hoàn toàn ủng hộ.
“Khi đột nhiên chuyển sang tập võ, gia đình anh không “support” mấy, không muốn anh đi đường võ, đường võ chỉ thấy khó khăn thôi, mà ở bên ấy, không có ai để quản lý nên mình cứ đi tập thôi, không quan tâm” - Dũng lại cười - “Cũng có cái hay là mình có nhà bên ấy rồi, nên thường ngày chỉ kiếm tiền đủ sinh hoạt và đi chơi thôi. Sau này thì kiếm tiền đi tập.”
Theo đuổi đam mê nhưng không phải lúc nào con đường ấy cũng trải hoa hồng. Có những thời điểm tưởng như Dũng không thể bước tiếp nhưng anh đã vượt qua. “Khoảng năm 2013-14, lúc ấy anh bị chấn thương sườn trái, nặng lắm, phải nghỉ 3-4 tháng, lúc ấy là tập nhiều quá nên cơ thể bị quá sức.
Rồi cả năm 2016 do ăn uống không đúng nên phải nhập viện, mẹ cũng nói là do tập thể thao. Giờ gia đình vẫn mong theo kinh doanh, theo nghề của gia đình. Chắc chắn rồi, thể thao với người Việt Nam là nghề khổ, khó khăn nhất, không kiếm tiền được lại còn chấn thương, thực ra mẹ lúc nào cũng muốn con tốt nhất, theo nghề an toàn, kinh tế. Nhưng anh nghĩ đấy là do mình thích, mình chọn thì là điều đương nhiên thôi”.
"Anh cũng từng có bạn gái, mà cô ấy không ủng hộ lắm, không hợp mà, nên cũng thôi, nhưng giờ thế mình có nhiều thời gian tập hơn. Dù có người yêu cũng thích, thỉnh thoảng có người cùng đi chơi, chăm sóc mình" - Anh lại mỉm cười khi nói về câu chuyện tình cảm cũng bị đổ vỡ do theo đuổi niềm đam mê.
Về Việt Nam thành lập team BJJ hàng đầu Hà Nội
Chia sẻ với tôi, cho tới năm 2014, anh mới về Việt Nam được vài lần, suốt thời gian đó anh sống tại Đức - “thế nên Tiếng Việt mới kém như vậy” . Từ sau năm 2014, Dũng mới đi lại giữa Việt Nam và Đức nhiều hơn, anh lại cười - “Lúc ấy cũng là về Việt Nam du lịch, tiện thể … đi thăm các CLB BJJ tại Việt Nam luôn. Lúc ấy, các CLB ở Việt Nam còn ít lắm, chỉ 1 vài CLB thôi, ở Hà Nội thì có Ronin, Hanoi BJJ, Vietfighter, Hanoi Top Team, trong Sài Gòn thì có Kimura, Saigon Jiujitsu.”
Cho tới năm 2016 khi quyết định về hẳn Việt Nam, Dũng mới bắt đầu làm việc ở Vietfighter và Viet Muay Thai. Thời gian đó cũng là lúc Việt Nam quyết định thành lập đội tuyển Jiu-jitsu để thi đấu quốc tế, và Dũng đầu quân cho đội tuyển quốc gia. Kể từ đó, anh dành toàn bộ thời gian cho thi đấu và huấn luyện, đồng thời thành lập team Dũng Phạm BJJ, CLB chính thức mang tên anh, góp phần vào xây dựng công đồng BJJ tại Việt Nam. Tuy chỉ mới thành lập, hiện nay team Dũng Phạm hiện đang có số lượng người tập đông đảo và ổn định hàng đầu tại Hà Nội, trong giải Saigon Open lần thứ 2, học sinh của anh cũng đạt được những thành công vang dội.
Khi hỏi mọi người về Dũng, điều đầu tiên và xuyên suốt các câu trả lời về anh là “Dũng đơn giản lắm, chỉ đến tập và hướng dẫn mọi người, quan điểm của Dũng đơn thuần là muốn mọi người ngấm được các chuyển động đó thành bản năng, đi lên đấu đừng nghĩ nhiều, cứ vào tình huống là thực hiện thôi, bình thường trong buổi tập, Dũng yêu cầu mọi người “drills” nhiều lắm, thậm chí 1 vài động tác cơ bản cũng thực hiện đến 50 70 lần” - tất cả đều bật cười khi tôi hỏi về cường độ tập luyện anh đặt ra với mọi người.
KẾT
Từ lần đầu tiên gặp anh cho đến buổi phỏng vấn, cho tới những lần nói chuyện với người trong team Dũng Phạm, team Ronin, những người trước đây từng tập với anh, ấn tượng về Dũng trong mắt mọi người luôn là sự đơn giản.
Với tôi, đó là một câu chuyện về cậu con một trong một gia đình kinh doanh, có điều kiện ăn học với tương lai kế nghiệp gia đình rất rộng mở. Nhưng rồi bị cuốn vào đam mê với BJJ, Dũng đơn thuần lao vào tập luyện và thi đấu, chẳng mảy may quan tâm đến những điều khác, cuộc sống của anh xoay quanh BJJ - đồng đội - thảm tập - sàn đấu, thậm chí mọi người nhìn thấy anh trong những bộ võ phục còn nhiều hơn quần áo mặc hàng ngày - hay đúng hơn - những bộ Gi, rashguard, hay đúng hơn, chúng chính là những thứ thường ngày với anh.
Có thể, ở Việt Nam, như Dũng nói “thể thao là đường khổ mà, ít tiền, lại lắm chấn thương”, có thể, trong hiện tại và tương lai, nhiều người vẫn sẽ nhắc lại điều nay với anh. Nhưng tôi biết chắc chắn, chàng trai 26 tuổi này đang sống với đam mê của mình, từ rất lâu rồi, và anh sẽ tiếp tục theo đuổi nó, với một sự đơn giản nhưng thuần chất nhất.