Một lần nữa Công Phượng lại lên đường xuất ngoại tìm kiếm thử thách ở chân trời mới, nhưng cứ xuất ngoại chưa chắc đã là tốt.
Ngày hôm nay 5/7, bóng đá nhà trải qua sự kiện lớn. Không phải là một trận đấu của ĐTQG, không phải là một đội bóng lớn hay ngôi sao lớn nào trên thế giới đến Việt Nam. Đó là buổi lễ công bố hợp đồng giữa Công Phượng và đội bóng Bỉ Sint-Truiden.
Tại buổi lễ này, ngoài Công Phượng, mọi ánh mắt hướng tới chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, người có công lớn khai sáng ra thế hệ tài năng với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... Ông bầu giàu tâm huyết ấy luôn đau đáu một giấc mơ, giấc mơ đưa cầu thủ Việt sang trời Âu.
Cái ngày trọng đại ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi cầu thủ con cưng nhất Công Phượng đã trở thành cầu thủ Việt Nam thứ hai trong lịch sử bước chân đến vùng đất được coi là kinh đô của bóng đá thế giới.
Để thấy được tầm quan trọng đó, buổi lễ này đã chứng kiến nhiều nhân vật tầm cỡ như Phó chủ tịch truyền thông VFF Cao Văn Chóng, người đại diện HLV Park Hang Seo ông Lee Dong Jun cùng các cơ quan báo đài trên cả nước.
Nhìn Công Phượng cầm trên tay số áo 15 của Sint-Truiden, những người yêu mến chàng trai xứ Nghệ cảm thấy phấn khởi và phần nào đó bồi hồi trong lòng. Cũng đúng thôi, khác với đa phần cầu thủ Việt Nam khác, Công Phượng gắn liền với số phận có phần nào đó long đong, lận đận. Tài năng của Công Phượng thì không phải bàn.
Nhưng thay vì tận hưởng những vinh quang mà anh đạt được một năm rưỡi qua, anh muốn đi xa hơn trên con đường sự nghiệp, đó là chinh phục những thử thách mà nhiều người đã nghĩ nhưng chưa ai dám thử. Anh sang Nhật Bản khi mới 19 tuổi, rồi đến Hàn Quốc sau đó 4 năm. Những trải nghiệm ở đây dường đủ để thử thách bản lĩnh của Công Phượng để dũng cảm đến với miền đất hứa châu Âu đầy xa lạ.
Tuy nhiên những gì mà bầu Đức và Công Phượng làm được đã gọi là thành công chưa? Chắc chắn là chưa. Không phủ nhận bầu Đức đã có công giúp bóng đá Việt Nam sở hữu thế hệ cầu thủ tài năng và đủ khả năng để xuất ngoại. Nhưng khi ở thi đấu ở nước ngoài, cái kết mà Tuấn Anh, Xuân Trường hay Công Phượng nhận được là trở về trong thất bại. Họ không thể chiếm một suất đá chính trong đội hình đội bóng mới.
Bầu Đức có nói ở buổi lễ này rằng, dù các cầu thủ của ông có thành công hay thất bại khi xuất ngoại thì họ cũng học hỏi và thu về nhiều bài học bổ ích. Nhưng liệu cách bầu Đức làm với các cầu thủ của ông liệu có đúng? Nếu chú ý kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những hợp động mà bầu Đức giao kèo với các đội bóng đều là hợp đồng cho mượn với thời hạn 1 năm.
Điều kiện này dẫn đến một hệ lụy nghiêm trọng đó là thái độ và nỗ lực của mỗi cầu thủ khi bị thử thách ở môi trường mới. Nếu họ thất bại, họ vẫn còn một cơ hội để trở về với HAGL luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ.
Nhìn lại quá trình của Công Phượng hay Xuân Trường, họ đã mắc phải vấn đề trên. Ký hợp đồng 1 năm với Incheon và Buriram nhưng cả hai không thể hoàn thành trọn vẹn và trở về chỉ sau nửa mùa giải. Những người yêu quý có thể bào chữa rằng lối chơi của đội bóng ấy không phù hợp với Công Phượng hay Xuân Trường, tuy nhiên bóng đá là trò chơi của tập thể và cầu thủ cần nỗ lực để hòa nhập với tập thể đó.
HLV Riedl cũng từng chỉ ra vấn đề: "Đã bao nhiêu cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trong năm nay? Tôi nghĩ xuất ngoại không phải là chuyện dễ dàng với họ. Cầu thủ Việt Nam quá nặng tình, họ dành nhiều tình cảm cho quê hương, gia đình và bạn bè."
"Nếu cầu thủ Việt Nam có đủ kỹ năng và thể lực, điều quan trọng là anh ta phải khát khao xuất ngoại và muốn chinh phục những thử thách mới nhiều hơn các cầu thủ khác."
Việc nhận quá nhiều sự che chở của bầu Đức đang phần nào bào mòn sự cố gắng, tinh thần vượt gian khó của các chàng trai trẻ. Dẫu biết ước mong và tâm huyết của bầu Đức là rất đáng nể trọng nhưng cách thực hiện nó chưa thực sự đúng đắn.
Tuy nhiên Công Phượng sang châu Âu vẫn là điều tốt và NHM nước nhà vẫn luôn bên cạnh cổ vũ chàng trai đầy nghị lực này. Hi vọng sau 1 năm nữa chúng ta sẽ được nhìn một cái kết có hậu hơn là những gì anh từng trải qua tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá khứ.