Tư duy độc đoán, lối suy nghĩ gia trưởng của người Hàn đã ảnh hưởng lớn đến phong cách huấn luyện của ông Park.
HLV Park chia sẻ về HLV Guus Hiddink - nguồn: VTV
Tư tưởng bảo thủ, độc đoán của người Hàn Quốc
Trước khi đề cập đến cá nhân ông Park, tôi muốn các bạn có một cái nhìn chung về người Hàn Quốc. Tôi đoán không ít người từng có cơ hội làm việc hay giao lưu với người Hàn. Tại Việt Nam hiện nay, người Hàn Quốc sang du lịch, làm việc hay thậm chí kết hôn với người Việt không phải là ít.
Chính sự tiếp xúc nhiều như thế mà tôi được đọc không ít phản hồi, nhận xét không mấy hay ho về người Hàn. Điểm chung của họ, đặc biệt là đàn ông Hàn Quốc rất bảo thủ, bảo thủ một cách cực đoan. Lối suy nghĩ của họ rất cứng nhắc dẫn đến những lời khuyên chỉ là để ngoài tai.
Điều này được phản ánh qua đợt dịch Covid-19 vừa qua. Trong khi chính phủ đưa ra lời khuyên nhân dân nên ở nhà để tránh lây lan cộng đồng thì một bộ phận không nhỏ đã tụ tập phản đối, đến những nhà thờ cầu nguyện khiến cho tốc độ lây lan một cách chóng mặt. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc trở thành tâm dịch của Covid-19.
Tuy nhiên khá may mắn khi lúc này họ đã kiểm soát được dịch bệnh nên số ca nhiễm không còn tăng theo cấp số nhân như thời điểm ban đầu. Chính tư tưởng bảo thủ đã khiến họ suýt chút nữa gánh hậu quả nặng nề.
Đến tư tưởng của HLV Park Hang Seo
Đến lúc này rất nhiều người dành tình cảm lớn với ông Park, người đã đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao mới. Tính cách kỷ luật, chỉn chu và chặt chẽ của người Hàn được ông Park thể hiện rõ nét khi phong cách của ĐT Việt Nam cũng vô cùng chặt chẽ và nguy hiểm.
Tôi không phủ nhận những công lao mà ông Park đã mang lại cho bóng đá Việt Nam, tôi cũng rất ngưỡng mộ tài năng của ông. Tuy nhiên bài viết này tôi muốn nói nhiều hơn đến những thiếu sót của ông Park và điều đó ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của ĐT Việt Nam như thế nào.
Như phân tích ở phần một, chúng ta thấy được sự bảo thủ trong tư duy của người Hàn và điều ấy cũng hiển hiện trong con người HLV Park Hang Seo. Ông mang đến Việt Nam chiến thuật hoàn toàn mới, 3-4-3. Sơ đồ mà hai hai cầu thủ chạy biên phải cực kỳ sung mãn để bao quát hết chiều dài hai bên cánh.
Và nó đã đem lại thành công khi ĐT Việt Nam chơi ấn tượng trước các đội bóng lớn. Tại các giải đấu, ĐT Việt Nam nổi tiếng với cách đá phòng ngự phản công. Lối chơi đó ban đầu tỏ ra hiệu quả khi các đội bóng lớn với tâm thế "coi thường" cứ vậy mà đè ngửa Việt Nam ra đá. Họ thoải mái dâng cao tấn công mà không để ý đến khoảng trống sau lưng. Đó chính là điểm yếu mà ông Park khai thác khi đối đầu với bất cứ đối thủ nào, trừ những đội bóng quá yếu không thể cầm nổi bóng để triển khai lối chơi theo ý muốn.
Tuy nhiên càng về sau, hiệu quả của lối chơi này càng giảm sút. Sau những thành công ở U23 châu Á 2018, Asiad Cup 18, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, các đối thủ dần cảnh giác với ĐT Việt Nam.
Bước sang vòng loại World Cup 2022, lối chơi của ông Park dần bị bắt bài. Trước các đội bóng mạnh, biết kiểm soát bóng và điều tiết lối chơi như Thái Lan, UAE, đoàn quân Park Hang Seo bắt đầu gặp vấn đề. Hầu như các pha lên bóng, phản công nhanh đều bị đối thủ chặn đứng một cách dễ dàng. Các đối thủ đã có những phương án để bịt những khoảng trống sau lưng mỗi khi mất bóng, và quan trọng hơn họ đã khóa được các mũi công trong tay ông Park.
Dù giành chiến thắng trước UAE nhưng 3 điểm ngày hôm ấy có công rất lớn của chiếc thẻ đỏ tranh cãi đầu trận đấu. Trước thời điểm chơi thiếu người, UAE tạo ra thế trận lấn lướt và không để Việt Nam tạo ra một cơ hội nào. Trong khi 2 trận đấu với Thái Lan, rõ ràng Việt Nam đã may mắn khi rời sân với 1 điểm.
Đến VCK U23 châu Á, HLV Park tiếp tục sử dụng lối chơi an toàn. Con người trong tay ông là những thành viên lên ngôi vô địch SEA Games 30 cách đó 1 tháng. Trong khi U23 Thái Lan tham gia giải này cũng là những con người ở SEA Games 30, nơi họ bị loại từ vòng bảng.
Tuy nhiên bộ mặt của 2 đội thể hiện là hoàn toàn trái ngược. Việt Nam với lối chơi cũ bị các đội bóng mạnh của Tây Á bắt bài hoàn toàn. Họ cũng sử dụng lối đá rập rình khiến Việt Nam không thể ghi nổi bàn nào trong hai trận đầu tiên. Ở bảng A, Akira Nishino áp dụng lối chơi tấn công cống hiến, kiểm soát bóng, gây áp lực lên đối phương. Đây là cách chơi mà hầu hết các đội bóng lớn trên thế giới đang áp dụng.
Dù có những trận thua đậm nhưng sau 3 trận ở bảng đấu khó hơn Việt Nam rất nhiều, Thái Lan đi tiếp một cách thuyết phục. Còn Việt Nam bị loại với 2 bàn tay trắng.
Trong các trận đấu của U23 Việt Nam ở giải này, rất nhiều thời điểm NHM kỳ vọng ông Park sẽ chơi tất tay, tấn công phủ đầu bằng những cầu thủ tấn công mà ông có trong tay. Nhưng HLV Park vẫn e dè chọn cách đá phòng thủ chắc chắn và chờ đợi một bàn thắng từ sai lầm của đối phương. Nhưng chẳng có sai lầm nào nữa khi đối thủ đã lường trước mọi bước tính của HLV người Hàn Quốc.
Tại cuộc họp vừa qua khi ông Park trở lại Việt Nam, có một chi tiết rất đáng chú ý khi buổi họp hôm ấy diễn ra trong không khí "cởi mở" đến lạ thường. Các bên gồm cả Liên đoàn, BHL, HLV Park và đội ngũ kỹ thuật đều tranh luận, phân tích để chỉ ra những thiếu sót của ĐT Việt Nam thời gian qua. Ông Park đã tiếp thu trên tinh thần thoải mái và xây dựng.
Nếu ĐT Việt Nam cứ chơi như cách đã sử dụng thời gian qua thì có lẽ mãi chúng ta chỉ chơi bóng của một kẻ chiếu dưới, chờ đợi thời cơ để giành chiến thắng thay vì tiến lên mạo hiểm để tự tìm chiến thắng. Với tư duy của một đội bóng nhỏ, ĐT Việt Nam sẽ mãi là một đội bóng nhỏ. Nếu muốn trở thành một đội bóng lớn, chúng ta hay bản thân HLV trưởng Park Hang Seo cần phá bỏ sự cứng nhắc, an toàn đến cầu toàn để chơi thứ bóng đá năng động và chủ động hơn. Chỉ có điều ấy mới giúp ĐT Việt Nam trở thành một đội bóng lớn, tiến xa với mục tiêu tiệm cận những đội bóng hàng đầu khu vực và trên thế giới.
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Nguyễn Minh Dương
Xin mời độc giả tiếp tục gửi những bài viết tâm huyết đến chúng tôi, cùng chia sẻ đam mê với trái bóng tròn. Chi tiết xem TẠI ĐÂY.