Chiếc Innova đi lùi vì quá lối rẽ ra khu công nghiệp Ninh Hiệp, trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, may mắn ôtô phía sau đánh lái kịp thời tránh tai nạn.
Nguồn: VTV
Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định 46 trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung và tăng nặng mức phạt hành vi vi phạm có nguy cơ mất an toàn giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội như đi lùi, trên cao tốc.
Cụ thể, dự thảo đang xây dựng theo hướng tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan đến đường cao tốc như:
- Quay đầu trên đường cao tốc tăng từ 400.000-600.000 đồng lên 5-7 triệu đồng, tước bằng lái xe 2-4 tháng; tăng từ 800.000 đồng -1,2 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 5-7 tháng.
- Đi ngược chiều trên đường cao tốc tăng từ 7-8 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 5-7 tháng.
Đề cập đến mức xử phạt quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 đối với hành vi đi lùi chỉ là 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng và tước bằng lái xe 1-3 tháng, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, mức xử phạt là hoàn toàn không đủ sức răn đe với tính chất hành vi nguy hiểm này.
Trong bản dự thảo Nghị đinh 46 của Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và trình Chính phủ quy định mức xử phạt đối với hành vi đi lùi trên cao tốc được tăng lên gấp nhiều lần.
“Thời gian qua, nhiều trường hợp tài xế điều khiển ôtô cố tình đi lùi trên đường cao tốc. Lái xe đi lùi trên cao tốc đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông trên tuyến vì loại đường này tốc độ cao, chỉ cần không tuân thủ quy tắc thì sẽ xảy ra các vụ va chạm hậu quả thảm khốc” ông Minh nhấn mạnh.
Đánh giá một đơn vị quản lý tuyến cao tốc đã làm tốt về hệ thống báo hiệu phải cảnh báo sớm, có tính nhắc lại, đơn giản rõ ràng và trực quan để lái xe không thể bỏ qua, tuy nhiên, theo vị Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hệ thống biển báo, quy chuẩn trên cao tốc của nước ta hiện chưa đầy đủ về hướng dẫn thiết kế, lắp đặt và làm chưa thống nhất.
“Vì vậy, hệ thống biển báo có tính nhắc lại như thế nào, khoảng cách bao nhiêu, đã cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin hay chưa? Công tác tổ chức giao thông đường cao tốc hiện nay phải tăng cường, sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn trên toàn quốc. Nếu làm tốt những điều này thì những lỗi đi ngược chiều, quay đầu, lùi xe... giảm đi rất nhiều bởi lái xe không ai muốn vi phạm” ông Minh nói.