Truyền thông Malaysia cho rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên học hỏi Việt Nam về cách lựa chọn các môn thi đấu tại SEA Games 31.
Mới đây, Việt Nam, nước chủ nhà SEA Games 31, đã công bố sơ bộ 36 môn thi đấu tại đại hội vào năm 2021. Ngay lập tức, Philippines và Malaysia đã bày tỏ lo lắng khi Việt Nam thêm các môn thi Olympic và bỏ qua những môn thế mạnh của họ.
Dựa trên danh sách sơ bộ các môn thi đấu tại SEA Games 31, Việt Nam đã loại bỏ các môn thế mạnh của Malaysia như bóng lưới, hockey trong nhà, bóng gỗ, thuyền buồm, bóng quần, lướt ván hay rugby 7.
Trong các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á, các nước chủ nhà thường lựa chọn các môn thể thao thế mạnh và thêm một số môn truyền thống.
"Hội đồng Olympic Malaysia (OCM) nói rằng sẽ mất 18 HCV tại SEA Games 31 so với kỳ đại hội được tổ chức tại Philippines. Nếu như vậy là chưa đủ, con số này tăng lên thành 40 HCV so với kỳ SEA Games 29 được tổ chức tại Kuala Lumpur", tờ Malaymail đưa tin.
Tuy nhiên, tờ báo này nhận định: "Tại sao lại ồn ào khi Việt Nam đưa vào hầu hết môn thể thao Olympic? Đây đều là những huy chương mà chúng ta nên hướng tới. Có điều gì tệ khi Việt Nam tổ chức nhiều môn Olympic?
Hãy học hỏi Việt Nam, nền thể thao cho thấy sự tiến bộ ổn định trong những kỳ SEA Games gần đây, đặc biệt ở các môn Olympic. Tại SEA Games 30, Việt Nam đứng thứ 2 với 98 HCV, 85 HCV và 103 HCĐ. Việt Nam không chỉ thể hiện sự tiến bộ ở SEA Games mà còn tạo được dấu ấn ở cấp độ Olympic".
Để minh chứng điều này, tờ Malaymail đưa ra những tấm huy chương Olympic của đoàn Việt Nam, mở đầu là tấm HCB của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 hay tấm HCV lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Rio 2016 nội dung 10m súng hơi.
Highlight U22 Việt Nam 3-0 U22 Indonesia | Chung kết SEA Games 30 (Nguồn: VTV)
>>> SEA Games 31: Môn thi đấu 'bá chủ thế giới' của Việt Nam bị gạch tên