Thầy trò HLV Moriyasu đã để thua trong trận Bán kết Olympic nhưng hành trình của họ vẫn còn một trận đấu trước mắt.
Sự chuẩn bị bài bản của bóng đá Nhật Bản
Nhận đường chuyền của Oyarzabal bên cánh phải, Asensio xoay người, chỉnh bóng, rồi tung một cú cứa lòng ngọt lịm, bóng đi xoáy vào góc xa khung thành thủ môn Kosei Tani. Đó là khoảnh khắc mà hàng triệu NHM bóng đá Nhật Bản như chết lặng khi đội chủ nhà gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Và giấc mơ đoạt HCV của kỳ Thế vận hội Tokyo 2020 của đội bóng xứ mặt trời mọc giờ đây đã tan biến.
Cách đây vài năm, khi biết thông tin Nhật Bản giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) lên một kế hoạch, một chiến lược dài hạn cho đội bóng đá nam, nhằm tạo ra một thế hệ vàng để hướng tới Olympic. Nhật Bản không giấu diếm tham vọng đạt thành tích cao khi mục tiêu của họ là tấm HCV lịch sử bởi cơ hội rất lớn khi các đội bóng các không có nhiều sự đầu tư.
Các đội trẻ từ U17 đến U20 của Nhật Bản được xây dựng cho Olympic Tokyo. Năm 2018, họ mang đến Asiad một đội hình trẻ trung độ tuổi U21, nằm chung bảng đấu với U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo. Đoàn quân lúc bấy giờ của kiến trúc sư Moriyasu chỉ thua đúng 2 trận, trước ‘Những chiến binh sao Vàng’ và trong trận Chung kết trước U23 Hàn Quốc, đội mang cả ngôi sao Son Heung Min.
Rõ ràng, đó là một sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng của bóng đá Nhật, dàn sao độ tuổi đôi mươi đã được cọ xát rất nhiều với các đàn anh. Đặc biệt, sau giải đấu đó, đội bóng xứ hoa anh đào có sự chọn lọc rất khắc nghiệt, những ai thể hiện không tốt thì ngay lập tức bị loại hoặc nhẹ hơn là bị đày lên băng ghế dự bị.
Một sự kỷ luật cần thiết và nghiêm túc nếu muốn đoạt Huy chương tại Thế vận hội, nơi có nhiều ông ‘kẹ’ của các nền bóng đá cũng góp mặt. Hơn hết, Olympic Nhật Bản cũng gọi thêm 3 cầu thủ nhiều năm thi đấu tại Châu Âu như Maya Yoshida, Hiroki Sakai hay thậm chí là đội trưởng của CLB Stuttgart – Wataru Endo cũng gác lại quãng thời gian nghỉ hè của mình để chinh chiến cùng các đàn em.
Bởi vậy mới thấy một Olympic Nhật Bản thực sự đáng gờm, họ chuẩn bị tâm lý trước đó nhiều năm và chỉ chờ vào giải đấu để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Hành trình chạm tới tấm HCV mà ai cũng ao ước. Thậm chí, đội chủ nhà còn được coi là Ứng cử viên số 1.
Tự tin tiến tới Thế vận hội
Khỏi phải bàn cãi về thực lực của đội chủ nhà Nhật Bản, với lực lượng mạnh nhất trong tay, không khó để đoàn quân của HLV Moriyasu đạt được mục tiêu đầu tiên của mình khi vượt qua vòng bảng với thành tích thực sự đáng khen. 9 điểm sau 3 trận đấu trước những đối thủ sừng sỏ là những gì mà NHM bóng đá nước nhà chờ đợi. Thậm chí ghi liền 4 bàn không gỡ trước Olympic Pháp càng gia tăng sự vui sướng của những người theo dõi bóng đá Nhật.
Một sự tự tin mà khó có đội bóng nào tại Châu Á có thể làm được khi nhìn sang Olympic Hàn Quốc hay Olympic Úc đều nhận rõ những sự khó khăn. Cũng dễ hiểu bởi Nhật Bản có sự ủng hộ của nhiều yếu tố đã nêu trước đó như lợi thế sân nhà hay sở hữu lứa cầu thủ vàng.
Dù ở trận Tứ kết, dũng sĩ Samurai xanh có thể gặp khó khăn trước Olympic Newzealand nhưng họ thể hiện được bản lĩnh của mình trên loạt đá luân lưu. Không có sai lầm nào đến từ các vị trí và tấm vé thẳng tiến tới Bán kết là điều hiển nhiên.
Đối thủ của đoàn quân HLV Moriyasu là một người quen – Olympic Tây Ban Nha, đội bóng họ từng giao hữu trước thềm giải đấu và hai đội giằng co nhau kết quả hòa. Tuy nhiên, ở trận đấu ngày hôm qua, những ‘Vũ công Flamenco’ thể hiện sự lì lợm để giành chiến thắng.
Olympic Nhật Bản dừng chân ở Bán kết nhưng hành trình của họ vẫn còn đó. Đội bóng xứ sở mặt trời mọc còn trận tranh HCĐ cùng với Olympic Mexico. Dĩ nhiên, gặp đội bóng từng là nhà vô địch năm 2012 cũng cực kỳ khó nhằn. Dù vậy, chiến thắng của Olympic Nhật Bản sẽ là món quà ngọt ngào cho những NHM đã theo dõi họ từ đầu giải đấu hay thậm chí cách đây vài năm.