Bị ĐT Thái Lan soán ngôi tại AFF Cup 2021, vậy bằng cách nào để giúp thầy trò HLV Park Hang Seo đòi lại ngôi vương của mình?
Nội dung chính
V-League cần được nâng tầm
2021 là năm mà NHM bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều thất bại của đội bóng nước nhà nhất dưới thời HLV Park Hang Seo. Đặc biệt, việc bị người Thái soán ngôi tại đấu trường AFF Cup còn đau đớn hơn cả. Chính vì thế, muốn đòi lại những gì đã mất trong năm cũ, ĐT Việt Nam cần phải thay đổi, nhìn trực diện vào thẳng vấn đề để cải thiện.
Sau khi trận đấu bán kết giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan khép lại, HLV Mano Polking đã có những chia sẻ rất thật: “Tôi đã làm việc ở cả Thai League và V-League, cùng gặp phải những khó khăn với các CLB. Tôi không muốn so sánh quá nhiều, tuyển Việt Nam là tập thể mạnh, nhưng để so chất lượng của nền bóng đá với Thái Lan, thì giải vô địch quốc gia của họ còn phải cải thiện nhiều hơn nữa.”
Đúng như nhà cầm quân người Đức nói, Thai League luôn là điểm tựa để giúp đội tuyển nước này giàu sức chiến đấu hơn. Yếu tố cốt lõi đến từ tính chuyên nghiệp của giải đấu. Ở đó không chỉ có SVĐ đẹp, chiến lược Marketing bài bản để có nguồn thu, mà các CLB cạnh tranh sòng phẳng khi có mức độ đồng nhất về chuyên môn và đủ tướng tài hội tụ. Chính điều này thúc đẩy bóng đá Thái Lan ngày một đi lên.
Bên cạnh đó, khác với V-League, Thai League luôn duy trì được tính ổn định của giải đấu. Ở xứ chùa Vàng, người ta tìm mọi cách để sân chơi của họ tiếp tục diễn ra. Còn với giải đấu cao nhất của Việt Nam thì lại khác, ở đó xảy ra cuộc chiến thực sự giữa những con người có tư duy làm bóng đá trái ngược. Nhiều lãnh đạo của các CLB còn thể hiện tinh thần thiếu xây dựng.
Đơn cử với những diễn biến vừa qua, V-League 2022 phải lùi lại một tuần (tức khởi tranh vào ngày 25/2), nhằm hoàn thiện công tác tổ chức một cách tốt nhất. Ngoài ra, 13 đội bóng sẽ thi đấu hết vòng 4, đến ngày 13/3, giải đấu sẽ ‘tạm nghỉ’ để phục vụ cho các giải đấu cấp độ đội tuyển. Và phải cho tới tận ngày 2/7, tức gần 4 tháng, các CLB mới trở lại để đá vòng 5.
Đây rõ ràng là sự thiếu chuyên nghiệp trong cách điều hành giải. Bởi trong lúc các cấp đội tuyển thi đấu, những cầu thủ còn lại ở các đội bóng sẽ ‘ngồi chơi xơi nước’, hóng đến ngày V-League trở lại. Dù rằng đó là điều bất khả kháng nhưng cũng cần có những tính toán sao cho hợp lý hơn, thay vì gián đoạn trong thời gian dài.
Tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ
Một yếu tố khiến ĐT Thái Lan liên tục duy trì được sức mạnh đến ở chỗ, giải Thai League của họ luôn tạo cơ hội cho các cầu thủ còn ở lứa tuổi đôi mươi được ra sân. Khi mà thế hệ của Supachok hay Supachai chỉ mới ở ngưỡng 23, 24 tuổi thì những gương mặt trẻ trung hơn như Suphanat đã kịp xuất hiện để làm dày thêm số lượng tài năng.
Còn với các đội bóng tại V-League lại có những quan điểm khác nhau. Cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện hơn. Thay vào đó, họ chỉ được tham gia những giải đấu thuộc lứa U diễn ra 1 hoặc 2 lần trong năm. Hay nhân tố nào xuất sắc, may mắn hơn thì được cho mượn tới những CLB đang chơi tại giải đấu thấp như Hạng Nhất, Hạng Nhì.
Bên cạnh đó, thay vì phó mặc nhiệm vụ tìm cầu thủ Việt Kiều cho ĐTQG, thì các CLB hoàn toàn có thể làm được việc này. Trước đây, làn sóng cầu thủ 2 dòng máu từng đổ bộ vào giải đấu cao nhất Việt Nam. Song, bằng một cách nào đó, chỉ còn một vài người trụ lại thành công. Chính vì thế, cần có những chính sách khuyến khích những tài năng đó trở về. Một phần giúp các đội bóng bớt dựa dẫm vào ngoại binh và ĐT Việt Nam từ đây mà được hưởng lợi.
Một điều nữa là những nhân tố xuất sắc cần được đem đi xuất ngoại ở những nền bóng đá phát triển hơn. Đó sẽ là những yếu tố cốt lõi giúp bóng đá nước nhà lấy lại những gì đã mất trong năm cũ. Chúng ta có nhiều mục tiêu trong năm 2022 và muốn nó diễn ra một cách ‘trơn tru’ cần có sự đồng lòng, hợp nhất tới từ tất cả đội bóng tại V-League.