Chắc chắn LĐBĐ Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc giảm tải công việc cho HLV Park. Quan trọng là, chúng ta có dám đánh đổi vì mục tiêu lâu dài hơn, thay vì là áp lực danh hiệu với những mục tiêu trước mắt không?
"SEA Games là giải đấu dành cho các cầu thủ dưới 22 tuổi. Giải đấu ấy được gọi là Olympic của Đông Nam Á, nhưng nó tổ chức vào tháng 11.
Sẽ rất khó khăn khi liên tục phải tập trung cho 2 chiến dịch liên tiếp là VL World Cup và SEA Games như vậy. Quá trình chuẩn bị sẽ gặp nhiều thách thức. Ở Việt Nam, họ muốn tôi huấn luyện cả hai đội, nhưng tôi chỉ muốn dẫn dắt một đội tuyển".
Đây là nguyên văn lời phát biểu của HLV Park Hang Seo trong một lần phỏng vấn trước truyền thông Hàn Quốc vào đầu năm 2019. Mong muốn là vậy, tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại thì LĐBĐ Việt Nam (VFF) vẫn chưa đồng ý với phương án này. Họ muốn thầy Park tuân thủ với hợp đồng ký kết giữa hai bên (dẫn dắt ĐTQG và đội U23).
Thực tế cho thấy rằng, trong dòng chảy của lịch sử bóng đá, Việt Nam là nền bóng đá phát triển một cách rất đặc thù. Bởi lẽ, LĐBĐ Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới cả AFF Cup, VL World Cup... (dành cho ĐTQG) và SEA Games, U23 châu Á... (dành cho U23 và U22). Tất thảy các HLV của ĐT Việt Nam trước đây đều phải “gồng gánh” nhiệm vụ kép được cho là cực kỳ khó nhằn này.
Dĩ nhiên, với HLV Park Hang Seo thì điều đó không phải là ngoại lệ. Bên cạnh việc phải dẫn dắt ĐTQG chinh chiến ở các giải đấu lớn như VL World Cup, Asian Cup, AFF Cup... thì HLV Park còn phải mang trọng trách tìm kiếm các tài năng trẻ, bồi dưỡng họ để thi đấu ở giải U23 châu Á, SEA Games...
Đơn cử ở năm 2021 này, HLV Park Hang Seo dự kiến sẽ phải tham gia tới tận 4 giải đấu lớn nhỏ cùng BĐVN ở cả cấp độ ĐTQG lẫn U22 Việt Nam.
Dĩ nhiên, bất cứ phương án nào cũng có ưu điểm của nó. Với việc cho HLV Park dẫn dắt cả ĐTQG lẫn đội trẻ, vị chiến lược gia người Hàn sẽ được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với lứa trẻ, giúp ông có thể hiểu được những cầu thủ trẻ từ sớm. Đó được xem là những “mầm ươm” của cả nền bóng đá sau này. Thực tế, lứa U23 do HLV Park Hang Seo dẫn dắt cũng là nòng cốt của đội tuyển quốc gia ở giải đấu sau đó.
Tuy nhiên, rõ ràng thì đây không phải là phương án ưu việt chuyên nghiệp. Bởi lẽ, cách làm này sẽ đẩy cho ông Park một gánh nặng cực kỳ lớn, khiến họ phải “phân thân” ra nhiều công việc khác nhau, mà không để dồn sức tập trung cho ĐTQG.
Thực tế thì trên thế giới có rất ít nền bóng đá sử dụng cách làm này. Qatar và Việt Nam là trường hợp cá biệt nhất. Ở Qatar, HLV Felix Sanchez cũng huấn luyện ở lò đào tạo danh tiếng Aspire Academy từ năm 2006-2019. Sau đó, ông lần lượt dẫn dắt đội U19, U20, U23 và ĐTQG Qatar.
Tuy vậy, phải nhìn nhận rõ ràng rằng, sở dĩ Qatar áp dụng mô hình như vậy bởi họ cần một lứa trẻ thực sự tốt và chơi bóng cùng nhau trong nhiều năm, để chuẩn bị cho World Cup 2022. Hay nói đúng hơn, đây là kế hoạch ngắn hạn để phục vụ mục tiêu nào đó.
Nếu xem VL World Cup là kế hoạch ngắn hạn với đội tuyển Việt Nam, LĐBĐ Việt Nam đã làm đúng với kế hoạch sử dụng HLV Park Hang Seo ở cả 2 cấp độ là ĐTQG và đội trẻ. Nhưng xem ra, về lâu dài, đó là phức tạp, tạo ra áp lực cực kỳ khủng khiếp cho HLV.
Trong khu vực, LĐBĐ Thái Lan từng sử dụng HLV Kiatisuk dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23. Nhưng sau đó, vì hướng đi lâu dài nên họ đã tách vai trò riêng biệt của hai HLV đội U23 và ĐTQG. Tương tự là Malaysia. Ở Đông Nam Á hiện tại, chỉ còn một vài đội tuyển như Campuchia, Indonesia… áp dụng theo mô hình này.
Rõ ràng, cách làm của VFF đang chưa thực sự mang tính khoa học và chuyên nghiệp. Theo dòng chảy phát triển bóng đá (tức mục tiêu chính là ĐTQG), có lẽ, LĐBĐ Việt Nam đã đến lúc cần chuyển mình. Có nghĩa rằng, HLV Park Hang Seo cần làm nhiệm vụ tổng thể hơn ở ĐTQG và nhường nhiệm vụ ở đội U23 cho một HLV khác.
Tức nghĩa, nếu chúng thực sự muốn BĐVN đi một chặng đường dài hơi hơn, mang tính chất là thay đổi cả một nền bóng đá trong tương lai thì VFF cần “giải phóng” bớt công việc cho HLV người Hàn Quốc, phân chia công việc một cách rõ ràng và hợp lý hơn.
Qua nguyện vọng được trình bày của ông Park, thiết nghĩ, chắc chắn thì những người đứng đầu LĐBĐ Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này. Quan trọng là, chúng ta có dám đánh đổi vì mục tiêu lâu dài hơn, thay vì là áp lực danh hiệu với những mục tiêu trước mắt không?
"Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ đủ sức để gánh vác trách nhiệm ở cả 2 đội tuyển. Có quá nhiều giải đấu quan trọng, được kỳ vọng lớn diễn ra trong năm nay, và nó nằm ngoài những sự chuẩn bị tốt nhất của HLV Park. Với ý kiến cá nhân của tôi, ông Park chỉ nên tập trung dẫn dắt 1 ĐT thì mới có thể đảm bảo công việc cũng như vơi bớt một phần nào áp lực. Khi bạn tham dự 1 lượt 4 giải đấu, mà giải nào cũng quan trọng như vậy, thật khó để đòi hỏi rằng sẽ làm tốt những nhiệm vụ được giao. Chưa kể đến là áp lực phải thành công là rất lớn từ NHM. Tôi nghĩ rằng VFF nên cân nhắc việc quy hoạch lại bộ máy HLV của đội U22, chúng ta không thiếu những người tài để thay ông Park gánh vác một phần nhiệm vụ. Điều đó sẽ tốt cho cả ông Park Hang Seo lẫn BĐVN", HLV Bae Ji-won nói với chúng tôi. |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút khỏi làng bóng đá
Thái Lan không chịu khuất phục trước 'yêu sách' của AFC