Không chỉ trường hợp mới nhất là Vingroup rút khỏi lĩnh vực bóng đá khi tặng Trung tâm PVF cho Văn Lang, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến câu chuyện nhiều ông bầu từ bỏ sân chơi này. Dưới đây là vài cái tên tiêu biểu từng gây chấn động dư luận khi "chia tay" bóng đá.
Bầu Vượng - Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF
Sáng ngày 2/2, tập đoàn Vingroup đã có thông cáo báo chí về việc trao tặng toàn bộ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF cho Tập đoàn Giáo dục Văn Lang.
Giải thích về việc rút khỏi làng bóng đá, phía tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng cho biết lý do của điều này là vì Vingroup muốn tối đa nguồn lực cho mục tiêu phát triển hai lĩnh vực là Công nghệ và Công nghiệp.
Trước đó, vào năm 2008, PVF được thành lập bởi Tập đoàn Vingroup với sứ mệnh đào tạo và cung cấp tuyển thủ tài năng cho bóng đá chuyên nghiệp, nâng tầm bóng đá nước nhà lên đẳng cấp thế giới.
Sau 12 năm phát triển, PVF đã trở thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ giàu thành tích hàng đầu Việt Nam, với 20 lần vô địch và 09 lần giành Á quân các giải trẻ trong nước; 09 lần vô địch và 02 lần Á quân tại các giải trẻ quốc tế. Năm 2020, các đội U15, U17, U19 của PVF cũng xuất sắc giành ngôi vô địch quốc gia các giải trẻ.
Sự chia tay của tập đoàn ông Phạm Nhật Vượng với nền công tác đào tạo trẻ BĐVN đem đến sự bất ngờ với NHM trong suốt những ngày qua.
Bầu Thọ - Navibank Sài Gòn
Những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam, hẳn vẫn chưa quên ông bầu mang tên Nguyễn Vĩnh Thọ. Ngay từ ngày đầu "chơi" bóng đá, đại gia này đã tạo nên một cú sốc lớn, khi chi ra tới 15 tỷ đồng để mang Quân khu 4 vào TP HCM thi đấu tại V.League 2010.
Trong giai đoạn 2010 - 2012, CLB được đổi tên sang Navibank Sài Gòn này là một hiện tượng chịu chơi bậc nhất giải đấu.
Ở thời điểm đó, mặc dù đã "nổ" rất nhiều thương vụ chiêu mộ "bom tấn" nội như Tài Em, Quang Hải, Long Giang..., bầu Thọ còn định thực hiện 2 thương vụ quốc tế khác mà nếu thành công, có lẽ V.League đã nổi đình nổi đám trên các mặt báo quốc tế.
Cụ thể, vào cuối năm 2009, ông đã có ý định mang về 2 huyền thoại của bóng đá thế giới, siêu tiền đạo Patrick Kluivert (Hà Lan) và Christian Vieri (Italia).
Tuy nhiên đến tháng 9/2012, bầu Thọ quyết định bỏ bóng đá, không tài trợ nữa. 3 tháng sau, ban lãnh đội Navibank Sài Gòn tuyên bố giải thể câu lạc bộ sau 3 năm tồn tại. Đội bóng được bán đứt cho Xuân Thành Sài Gòn với giá 21 tỷ đồng.
Bầu Kiên - CLB Bóng đá Hà Nội
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên hay còn được biết đến với cái tên bầu Kiên là một trong những người "chơi" bóng đá có tiếng và gây ánh tượng mạnh nhất với NHM.
Bầu Kiên là 1 trong những người tiên phong trong việc thành lập VPF - Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam, thay VFF điều hành các giải đấu của bóng đá nước nhà. Thời gian còn "chơi" bóng đá, bầu Kiên đã không ít lần gây chấn động dư luận với những phát biểu thẳng thắn và gây tiếng vang về thực trạng bóng đá nước nhà.
Tuy vậy, bầu Kiên sau đó do bị bắt giữ và điều tra vì những sai phạm trong kinh doanh và không thể tiếp tục hành trình với BĐVN. Không còn bầu Kiên, CLB Bóng đá Hà Nội buộc phải giải thể vào năm 2013.
Bầu Trường - Vissai Ninh Bình
Nếu nói về lịch sử bóng đá Việt Nam, NHM Việt Nam nói chung hay NHM Ninh Bình nói riêng có quyền tiếc nuối về một cái tên đã một thời "làm mưa làm gió" trong bản đồ V.League.
Nhắc đến đội Vissai Ninh Bình, người ta không thể không nhắc tới vụ "đại án" bán độ của 11 cầu thủ đội bóng này thời đó dẫn tới việc ông chủ của đội là Hoàng Mạnh Trường phải từ bỏ bóng đá.
Lên nắm đội từ năm 2009, bầu Trường rót tiền để đội bóng này có hàng loạt những bản hợp đồng gây náo loạn cả V.League.
Năm 2014,11 cầu thủ Ninh Bình được triệu tập lấy lời khai đã thừa nhận có tham gia bán độ hoặc nhận tiền từ trận thắng Kelantan 3-2 trên sân khách ở cúp AFC.
Ngay sau vụ "đại án" trên, bầu Trường quyết định rút khỏi V.League với lý do CLB đã mất hầu hết các trụ cột. Đến đầu năm 2015, bầu Trường chính thức ra quyết định giải thể CLB và bàn giao đội U13, U15 và U19 cho tỉnh Ninh Bình.
Ryutaro: 'Hàng ngàn cầu thủ Nhật ước được như Văn Lâm'
Báo Thái: 'Văn Lâm không thể là thủ môn số 1 ĐNÁ'