Được biết, LĐBC Việt Nam sẽ thảo luận về việc xây dựng các phương án thi đấu trong mùa giải 2023 tới đây.
Giải bóng chuyền VĐQG 2022 đã trôi qua nửa chặng đường và dù còn nhiều thiếu sót, không thể phủ nhận rằng chất lượng giải đấu đã được nâng cao hơn trước, một phần nhờ sự góp mặt của dàn ngoại binh.
Mới đây nhất, theo thông báo từ phía Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam gửi tới các đội bóng, thì những người đứng đầu từ phía Liên đoàn sẽ tổ chức cuộc họp nhằm trao đổi và thảo luận với các trọng tài, giám sát và các CLB trong nước về phương án tổ chức các giải bóng chuyền mùa giải 2023.
Trong năm nay, một trong những điểm đột phá của mùa giải VĐQG chính là việc tổ chức vòng tứ kết dành cho 8 đội xuất sắc nhất giải cho cả nam và nữ.
Việc tách 8 đội ra chính là mong muốn từ lâu từ phía Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam với mục tiêu giới hạn số lượng đội thi đấu tại giải VĐQG chỉ còn 8 đội.
Với việc này, giải VĐQG có thể sẽ được tăng thêm 1 vòng đấu để có thể điều chỉnh đội hình, tăng cường lối chơi nhằm hy vọng nâng cao thành tích hơn so với vòng bảng.
Điều mà NHM đặt ra, đó là giải bóng chuyền VĐQG có đi theo xu hướng của thế giới hay không?
Với những người theo dõi bóng chuyền thế giới, các giải đấu hàng đầu như ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản hay Ý đều thi đấu vòng tròn gặp nhau cả lượt đi lẫn lượt về, sau đó chính thức bước vào vòng play-off (loại nhau trực tiếp).
Trong khi đó, ở Việt Nam, giải VĐQG vẫn tổ chức theo hình thức cục bộ, diễn ra ở 1 hay 2 địa điểm, chia bảng thi đấu rồi tới thẳng bán kết, ngoại trừ mùa giải này có thêm vòng tứ kết.
Thể thức thi đấu theo xu hướng thế giới tưởng dễ, tuy nhiên lại gặp vấn đề: các CLB phải có riêng sân thi đấu của đội. Và chất lượng sân thi đấu ở Việt Nam vẫn là dấu chấm hỏi.
Hiện tại, vẫn chưa chốt thể thức thi đấu trong các mùa giải tới, do đó hy vọng Liên đoàn có thể tìm hiểu và đưa ra phương án thi đấu tốt nhất cho tất cả các đội.