Mùa giải cùng PFU Blue Cats có thể xem là mùa giải xuất ngoại đáng nhớ nhất của Thanh Thúy không chỉ vì kinh nghiệm mà còn cả những câu chuyện thú vị trong giải đấu.
Nội dung chính
Sau khi kết thúc vòng 1 giải VĐQG, ngôi sao số 1 làng bóng chuyền nữ Việt Nam đã tiếp tục xuất ngoại, cụ thể là du đấu tại Nhật Bản. Đây là lần xuất ngoại thứ 4 và cũng là lần thứ 2 Thúy sang thi đấu tại giải VĐQG Nhật. Lần này, cô đã ký hợp đồng với PFU Blue Cats - một CLB tầm trung của nền bóng chuyền Nhật. Trước đó, cô khoác áo Denso Airy Bees tuy nhiên, phần lớn thời gian chủ yếu là dự bị và chỉ được ra sân trong vài thời điểm ngắn ngủi. Thế nhưng, mùa giải này Thanh Thúy đã được đánh chính toàn bộ giải và lần này cô đã có những trải nghiệm mới.
Vậy những điều mới mẻ trong mùa giải này đối với Thúy?
Lần đầu tiên, cô gái 24 tuổi được ra sân chính thức không phải ở vị trí chủ công sở trường, mà lại là phụ công. Rất nhiều thắc mắc tại sao cô lại bị thuyên chuyển sang vị trí mà chưa từng đánh bao giờ. Lời lý giải được cho là nhiều người đồng tình nhất là Thanh Thúy có chiều cao rất ấn tượng (1m93) do đó, ban huấn luyện muốn tận dụng chiều cao của cô để thiết lập bức tường cao khi ghép chắn với Valdes, điều này sẽ gây khó khăn cho đội bạn. Ngoài ra, dàn phụ công của PFU Blue Cats cũng không xuất sắc, do đó việc đẩy Thúy “cò” sang phụ công là bắt buộc.
Và có thể thấy rằng, mặc dù không thi đấu vị trí sở trường, thế nhưng cô gái đến từ VTV Bình Điền Long An đã hoàn thành tốt hơn cả mong đợi. Kết thúc giải đấu, cô ghi tới 364 điểm, đứng thứ 20 của giải và thứ 2 của CLB. So sánh với dàn phụ công Đông Nam Á, cô không hề lép vế một chút nào. Mặc dù vẫn còn chút đáng tiếc khi không được đánh ở vị trí chủ công, thế nhưng Thúy đã có màn trình diễn hoàn hảo tại mùa giải này.
Điểm thứ 2 và cũng là điểm khác biệt rõ rệt nhất so với mùa giải tại Denso Airy Bees: thời gian ra sân thi đấu. Nếu như lúc còn ở Denso, thời gian thi đấu của Thúy chỉ được tính bằng phút thì PFU Blue Cats, Ban huấn luyện đã tin tưởng cho cô gái Việt Nam thi đấu toàn mùa giải. Rõ ràng rằng, chủ công số 1 Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng của mình khi luôn là đầu tàu ghi điểm nhất nhì đội.
Thúy học được gì trong mùa giải Nhật vừa rồi?
Điều thay đổi rõ rệt nhất xuyên suốt mùa giải chính là khả năng phòng thủ của Thanh Thúy đã tiến bộ vượt bậc, cả bọc lót trên lưới lẫn phòng thủ hàng sau. Đây cũng là đặc sản và thứ làm nên truyền thống của nền bóng chuyền Nhật: phát triển lối chơi dựa trên nền tảng phòng thủ. Nếu như trước đây, khả năng phòng thủ của Thúy vẫn còn hạn chế thì chỉ sau mùa giải này, trình thủ đã đạt một “level” mới. Đây là điểm rất đáng khen ngợi.
Ngoài ra, việc được thi đấu ở vị trí phụ công đã rèn cho cô gái vàng của bóng chuyền Việt khả năng phán đoán và xử lý tình huống trở nên nhanh nhạy hơn. Sau một mùa giải thi đấu, khả năng di chuyển, chạy chắn bóng trở nên tốt hơn trước rất nhiều. Đặc biệt hơn, cô còn được BHL PFU cân nhắc ký thêm một mùa giải nữa. Đây chính là tiền đề giúp Thúy có thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, đặc biệt khi sắp hội ngộ tuyển và chuẩn bị cho SEA Games 31.
Chắc chắn rằng, những gì đã trải qua xuyên suốt mùa giải này sẽ là bài học đáng nhớ của cô gái 24 tuổi. Hy vọng Thanh Thúy sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất ngoại và có thể thi đấu ở môi trường khác như các giải bóng chuyền châu Âu.