Mặc dù được bố trí đến 6 trọng tài quan sát trong 1 trận đấu nhưng có những tình huống quá nhanh hay những pha bóng khó mà mắt thường khó quan sát được đã khiến cho trận đấu mất đi sự công bằng.
Sau SEA Games 31, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng các đại biểu, đại diện các nhà đầu tư, các đội bóng,... đã thống nhất quan điểm về việc sử dụng "hệ thống mắt thần" - Challenge Eyes tại giải bóng chuyền VĐQG 2022.
Challenge Eyes áp dụng muộn tại giải quốc nội, nay lại còn về muộn
Mặc dù Challenge Eyes đã xuất hiện cách đây 8 năm (được áp dụng lần đầu tại giải bóng chuyền VĐTG năm 2014) nhưng đến năm 2022, công nghệ hỗ trợ trọng tài mới được về tới giải quốc nội số 1 của Việt Nam.
- Giải bóng chuyền U23 vô địch Châu Á năm 2019 - diễn ra tại Việt Nam (Lần đầu Challenge Eyes về Việt Nam)
- SEA Games 31 - diễn ra tại Quảng Ninh (lần thứ 2 Challenge Eyes về Việt Nam)
Sau 8 năm Challenge Eyes ra đời, Việt Nam mới bắt đầu du nhập về Việt Nam do nhà tài trợ yêu cầu. Ông bầu Đào Hữu Huyền đã không tiếc tiền mà thẳng tay chi riêng 1 tỷ/ 1 mùa giải để thuê công nghệ hỗ trợ trọng tài.
“Vấn đề trọng tài trong bóng chuyền nước nhà có vấn đề. Tôi chưa tìm hiểu trang bị cái này hết bao nhiêu tiền nhưng nếu cần tôi cũng sẵn sàng trang bị để cho khỏi cãi nhau”, ông bầu Hóa chất Đức Giang chia sẻ.
Dự kiến trước đó, hệ thống mắt thần sẽ được áp dụng toàn bộ giải VĐQG 2022 và sẽ không bỏ sót bất kì trận đấu nào (tương tự SEA Games 31). Tuy nhiên, việc vận chuyển, vận hành và thuê các chuyên gia đến từ Ý cùng với việc phải sử dụng gấp đôi hệ thống khi tổ chức ở 2 nơi nên chỉ có thể áp dụng ở vòng chung kết của mùa giải.
Theo đó, sẽ có 12 máy quay phim đặt ở các góc sân để giám sát toàn bộ trận đấu. Vì vậy, ở những pha bóng 50/50, chưa rõ ràng thì phía đội bóng có thể yêu cầu cho "chiếu chậm" lại các tình huống đó.
Mỗi đội có 2 lần yêu cầu xem lại trong mỗi hiệp, nếu sai thì sẽ mất đi 1 lượt và đúng thì đội vẫn còn 2 lượt (chỉ HLV trưởng có quyền yêu cầu và không quá 5 giây sau khi pha bóng kết thúc).