Kết thúc hành trình cùng với PFU BlueCats tại giải VĐQG Nhật Bản, Thanh Thúy cũng đã khép lại chuyến xuất ngoại thứ 4 với những chiến tích vang dội.
Nội dung chính
Với 4 lần xuất ngoại, cùng những vị trí và chiến thuật khác nhau đã giúp Thanh Thúy ngày càng trưởng thành hơn với tư duy và lối đánh khôn khéo, linh hoạt. Đặc biệt là sau khi gia nhập PFU BlueCats, Thúy 'cò' lại có thể thích ứng với vị trí phụ công, tạo nên một thế cờ mới cho HLV Thái Thanh Tùng khi phụ công dày dặn kinh nghiệm Bùi Thị Ngà không hội quân cùng đội tuyển.
Nhập cuộc với vai phụ mờ nhạt bỗng dưng hóa thành 'kép chính'
Ngay chuyến xuất ngoại đầu tiên cùng "huyền thoại" Ngọc Hoa tại CLB Bangkok Glass VC (VĐQG Thái Lan), Thanh Thúy đã cố gắng học tập và phấn đấu để lọt được vào danh sách dự bị với mong muốn được thi thoảng được vào sân.
Tuy nhiên, Thúy 'cò' đã trở thành "kép chính" của Bangkok Glass VC chỉ sau một thời gian ngắn có mặt tại CLB. Không ai có thể ngờ được một ngoại binh với xuất hiện với một "vai phụ" bỗng chốc được ngang hàng với các sao khủng của Thái Lan.
Ngoại binh đến từ Long An đã góp mặt trong đội hình chính thức 6/7 trận tại vòng 2 của mùa giải. Đặc biệt, cô luôn nằm trong top những tay đập ghi điểm nhiều nhất đội và thành công giúp Bangkok Glass VC bảo vệ ngôi Hậu với 14 trận toàn thắng.
Chơi hết mình tại Đài Loan, dù đầu chảy máu vẫn quyết giúp CLB giải nguy
Với sự thành công của chuyến xuất ngoại đầu tiên, Thanh Thúy đã có quyết định đi du đấu lần thứ 2 sau khi lên ngôi VĐQG cùng với VTV Bình Điền Long An năm 2017. Điểm đến mà Thanh Thúy lựa chọn là Đài Loan, cụ thể là CLB Attack Line.
Sau khi có được Thanh Thúy, đội bóng hạng trung của Đài Loan đã dốc toàn bộ tài nguyên vào chủ công người Việt với tham vọng trở thành Tân Hậu của giải đấu. Thúy 'cò' đã ra sân trong đội hình chính thức trong suốt mùa giải với những pha tấn công 3m như "búa bổ", phát bóng trực tiếp, tấn công từ hai biên, tạo nên nỗi khiếp sợ cho toàn bộ những người có mặt tại NTĐ.
Không chỉ có vậy, dấu ấn nổi bật thứ 2 của Thanh Thúy khiến các đồng đội càng thêm nể phục là chơi hết mình với CLB. Trong trận đối đầu với Taiwan Power tại set thứ 3, Thanh Thúy đã có 1 pha lăn xả để cứu bóng nhưng không may trán của cô đã va vào bảng điện tử.
Sau đó, Thúy đã bị choáng khá lâu và chảy nhiều máu. Dù vậy cô vẫn xin được ra sân để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình. Kết thúc mùa giải với sự tỏa sáng của Thanh Thúy, Attack Line đã thành công xếp hạng 3 chung cuộc, vượt xa thành tích cũ của đội bóng hạng trung.
Con đường tìm kiếm 'ánh sáng' tại xứ sở mặt trời mọc
Mặc dù được Denso Airybees trải thảm đỏ mời sang thi đấu tại Volleyball Leagues Division 1 Women's (VĐQG Nhật Bản) nhưng Thanh Thúy không được nhiều cơ hội ra sân thi đấu. Phần lớn thời gian Thanh Thúy ngồi ở hàng ghế dự bị và ít lần được thay vào sân trong thời gian ngắn ngủi.
Tuy vậy, Thúy luôn cố gắng hoàn thành các buổi luyện tật tốt nhất với năng lực của mình, nhờ đó khả năng phân tích bóng cũng như bắt bóng bước một của Thúy cũng được nâng cao hơn.
Trở lại đất Nhật lần thứ 2, Thanh Thúy gây bất ngờ với vai trò là một phụ công
Tháng 9 vừa qua, Thanh Thúy đã lên đường trở lại Nhật Bản với bản hợp đồng trị giá gần 5 tỷ với PFU BlueCats - đội bóng xếp hạng 9 giải VĐQG Nhật Bản năm 2020-21. Tuy nhiên, Thanh Thúy đã đảm nhận vị trí phụ công tại CLB, khác xa với vị trí sở trường của cô.
Dù vậy, Thanh Thúy đã hòa nhập với vị trí mới một cách nhanh chóng và biến nó thành một cơ hội để tỏa sáng. Điều đó đã được 'sếu vườn' Thanh Thúy chứng minh qua từng trận đấu với hiệu suất dứt điểm xếp hàng đầu đội bóng.
Đặc biệt, tay đập đến từ Việt Nam còn được ưu ái cho thi đấu 1 trận với vị trí gần như sở trường là đối chuyền. Trong trận đấu này, Thanh Thúy đã cho đối thủ thấy sức mạnh khi vừa vào sân đã cho "kích hoạt" vụ nổ kinh hoàng, bóng vượt tay chắn cắm thẳng trước mặt libero đội bạn.
Sau đó là hàng loạt pha tấn công "sấm sét" với 26 pha dứt điểm thành công và 2 pha chắn bóng vô hiệu hóa đường tấn công của đối thủ. Tổng kết lại, chuyến đi này đã giúp Thanh thúy tối ưu hóa ở hàng chắn và trưởng thành hơn trong lối đánh khi quan sát được hết tất cả các đường tấn công của đối thủ.
Sau gần 4 tháng du đấu tại Nhật Bản, Thanh Thúy đã kết thúc hành trình xuất ngoại vào ngày hôm qua và chuẩn bị hội quân của đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho những giải đấu quốc tế sắp tới. Nổi bật là SEA Games 31 tại sân nhà.
Mặc dù chuyến đi không mang lại nhiều kinh nghiệm cho Thanh Thúy ở vị trí sở trường nhưng đã giúp ít cho cô trong vị trí phụ công, giúp Thúy trở nên đa dạng hơn trong lối đánh.
Trong mùa giải 2022-23 này Thanh Thúy sẽ không xuất ngoại để giúp ĐTVN vươn xa hơn tại đấu trường châu lục cũng như đưa CLB VTV Bình Điền Long An trở lại cuộc đua VĐQG sau 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.