Một kỷ nguyên mới đang hình thành tại Chelsea. Bỏ qua sự tiếc nuối khi vị chủ tịch vĩ đại của câu lạc bộ - Roman Abramovich bị 'ép' phải bán 'đứa con tinh thần', các True Blues có quyền hi vọng về một tương lai tươi sáng, thậm chí thành công vượt xa thời cựu chủ tịch người Nga.
Ngược dòng quá khứ thời điểm 2003, khi đó Chelsea chỉ là một đội bóng thường thường bậc trung với lần gần nhất vô địch nước anh cách đó ... nửa thế kỷ. Không tiền, không danh hiệu và mục tiêu mà Chelsea trước năm 2003 hướng tới chỉ bao gồm: tránh xuống hạng và hi vọng được dự cup châu Âu. Cổ động viên của Chelsea chắc chắn chẳng bao giờ mơ về viễn cảnh một ngày, đội bóng của họ đứng ngang hàng với những MU, Liverpool hay Arsenal. Tất cả những điều kể trên đều là sự thật trước khi Abramovich đến.
19 năm, hơn 2,5 tỷ bảng được doanh nhân người Nga trả nợ, đầu tư vào sân vận động, trang thiết bị, cơ sở vật chất, lò đào tạo trẻ, tiền lương và hoạt động chuyển nhượng. Khi Abramovich chưa đến, cuộc đua vô địch chỉ là câu chuyện giữa MU và Arsenal. Cũng chính nhờ tỷ phú người Nga, Chelsea vươn mình trở thành ông lớn của lục địa già với 21 danh hiệu trong 19 năm và trở thành CLB thành công nhất nước anh trong thế kỷ 21.
Nhưng thành công nào cũng có những sai lầm của riêng nó và Chelsea cũng vậy. Thành công là thế nhưng Chelsea luôn đi kèm sự bất ổn. Với Chelsea, khái niệm 'thành công' không mang tính liên tục như MU của Sir Alex Ferguson hay MC của Pep Guardiola. Những danh hiệu của Chelsea đến trong 13 đời HLV chỉ trong vỏn vẹn 19 năm, và không một HLV nào tại vị quá 3 năm. Biệt danh 'lò xay' HLV cũng từ đó mà xuất hiện.
Người hâm mộ nửa xanh thành London có lẽ đã quá quen với việc Abramovich trảm một HLV nào đó khi thành tích của Chelsea đi xuống. Nhưng có lẽ giờ đây, sau sự xuất hiện của tân chủ tịch Todd Boehly, The Blues sẽ đi theo xu hướng phát triển bền vững dựa trên sự kế thừa những gì sẵn có từ thời Roman Abramovich.
Ngay sau khi tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động, Boehly cùng ban cán sự của mình sẽ bắt tay ngay vào công việc 'sửa chữa' những sai lầm tồn tại từ trước khi họ tiếp quản - những sai lầm mà họ không thể thay đổi được. Đi cùng với việc đảm bảo tương lai và trao quyền nhiều hơn cho Thomas Tuchel, ban lãnh đạo mới của Chelsea còn phải giải quyết một vấn đề ngắn hạn, mang tính cấp thiết hơn rất nhiều: bổ sung nhân sự và đẩy đi danh sách dài những cầu thủ bị coi là 'người thừa' tại sân Stamford Bridge.
Lùi về năm 2017, thời điểm Chelsea vừa vô địch Premier League cùng với Antonio Conte. Có thể Chelsea sẽ duy trì được vị thế thống trị nước Anh nếu như những bản hợp đồng mùa hè năm đó đáp ứng theo nguyện vọng của Conte. Hơn 200 triệu euro đã đổ vào 'phiên chợ' Hè với những Morata, Bakayoko, Danny Drinkwater, Davide Zappacosta và Antonio Rudiger. Trong số đó, chỉ có Rudiger thành công, phần còn lại là những 'quả bom xịt'. Chelsea phải trả giá bằng chiếc cúp Ngoại hạng Anh, thậm chí còn văng khỏi top 4.
Một kỳ chuyển nhượng rầm rộ khác của Chelsea diễn ra vào năm 2021, 247 triệu euro đã được chi ra, chỉ có Ben Chilwell, Edouard Mendy và phần nào đó là Kai Havertz thi đấu xuất sắc, những Timo Werner, Hakim Ziyech, Malang Sarr thi đấu dưới cả sự thất vọng và dần biến mất khỏi đội hình xuất phát.
Ngoài ra, còn đó trường hợp của Kepa Arrizabalaga hay mới đây nhất là Romelu Lukaku. Người thì hay mắc sai lầm ngớ ngẩn, người thì 'đứng núi này, trông núi nọ' và tìm đủ cách tháo chạy khỏi Chelsea.
Điểm chung của những thất bại nặng trên thị trường chuyển nhượng nêu trên, nằm ở tiếng nói của HLV trong các thương vụ gần như bằng không. Quyền quyết định hoàn toàn nằm trong tay 'bà đầm thép' Marina Granovskia. Người hâm mộ Chelsea hay đặt ra giả thuyết: nếu những Conte, Lampard hay Tuchel được chiều trong việc lựa chọn nhân sự như Klopp tại Liverpool hay Pep Guardiola tại Man City, liệu Chelsea sẽ thống trị nước anh một khoảng thời gian dài hay không?
Rất khó để trả lời một giả thuyết, nhưng mùa hè năm nay có thể các True Blues sẽ có được câu trả lời. Todd Boehly đã quyết định trao toàn quyền chuyển nhượng vào tay HLV Thomas Tuchel. Việc lựa chọn cầu thủ sẽ do chiến lược gia người Đức quyết định, ban lãnh đạo, cụ thể là Boehly sẽ đích thân đi đàm phán. Bởi lẽ HLV là người trực tiếp thực hiện công tác huấn luyện, cũng chính HLV sẽ là người biết những nhân tố phù hợp với phong cách thi đấu, chiến thuật của họ. Có thể thấy, phong cách chuyển nhượng của Chelsea mùa hè năm nay rất khác, họ đi chậm mà chắc, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng với bất kỳ cầu thủ nào.
Bộ máy cũ của Chelsea đã quá chần chừ trong việc gia hạn hợp đồng với Rudiger hay Christensen, dẫn đến Chelsea mất cả 2 trung vệ trụ cột chỉ trong một mùa hè.Trường hợp Lukaku là sản phẩm không thành công của Granovskaia. Boehly không vướng nhiều trách nhiệm và ủng hộ Tuchel để đẩy tiền đạo này khỏi Stamford Bridge. Tuchel có quan hệ rất tốt với Granovskaia nhưng ông vẫn là cấp dưới của bà, rất khó để yêu cầu Granovskaia loại Lukaku chóng vánh.
Giờ đây Tuchel cùng với Todd Boehly sẽ phải 'sửa chữa' sai lầm đó bằng cách lục tung thị trường chuyển nhượng tìm kiếm người thay thế. Koulibaly đã cập bến tây London và anh là người được đích thân Tuchel lựa chọn. Trường hợp khác nhận được sự tín nhiệm của chiến lược gia 48 tuổi là Raheem Sterling. Những cầu thủ không còn trong kế hoạch của Tuchel cũng sẽ bị đẩy đi theo dạng cho mượn hoặc bán đứt. 'Quả bom nổ chậm' Lukaku đã bị đẩy sang Inter Milan, một danh sách dài những cầu thủ không phù hơp bao gồm Loftus Cheek, Ross Barkley, Michy Batshuayi, Baba Rahman đang bị liệt vào dạng thanh lý. Có lẽ những bản hợp đồng thất bại từ thời Roman Abramovich sẽ sớm cuốn gói rời Stamford Bridge.
Chelsea đang cố gắng để trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Từng việc một, Boehly phải xắn tay vào làm cùng Tuchel. Có lẽ, phải mất 2 đến 3 mùa giải, nếu đi đúng hướng, tương lai của Chelsea thậm chí có thể sẽ tươi sáng hơn thời Roman Abramovich.
Bị tố ăn vạ, phản ứng của 'diễn viên' Neymar gây phẫn nộ
Top 10 cặp trung vệ đắt giá nhất thế giới: Bất ngờ với bộ đôi Man Utd