Những đoạn đường ngập nước mang đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho người tham gia giao thông, có thể khiến chủ xe tiêu tốn một số tiền lớn để khắc phục hậu quả.
Nội dung chính
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do tác động của cơn bão số 2, ngày 23 và 24.7, tại khu vực phía Đông Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Thực tế, trận mưa lớn đã gây ngập úng tại một số tuyến đường, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn và dẫn tới chết máy.
Từ lâu, thủy kích vốn luôn là một vấn đề “ác mộng” đối với nhiều chủ xe vì sự thiệt hại nghiêm trọng mà nó mang lại với phương tiện. Chính vì vậy, vào giai đoạn mùa mưa bão như hiện nay, các tài xế phải luôn lưu ý một số kinh nghiệm để ứng phó trong những tình huống di chuyển trên đoạn đường ngập nước.
Hiện tượng thủy kích là gì?
Thủy kích là hiện tượng nước tràn vào buồng đốt (xi lanh) qua đường hút gió của động cơ, làm xe chết máy đột ngột. Trong tình huống này, nếu tài xế cố gắng đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dẫn đến hư hỏng nặng.
Hậu quả của thủy kích thường rất nghiêm trọng do các hư hỏng xảy ra ở động cơ – được xem là thành phần cốt lõi của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp này thường rất cao, từ hàng chục triệu đồng và thậm chí và có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện.
Chi phí khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe.
Tuy nhiên, người dùng cần phân biệt rõ ngập nước khác với thủy kích. Xe ngập nước chỉ là xe bị ảnh hưởng khi đang dừng đỗ. Nếu nước mưa vào xe ôtô nhưng chỉ đến sàn xe thì chủ xe hoàn toàn có thể khắc phục mà không bị ảnh hưởng nhiều đến giá trị xe.
Cách xử lý khi đi xe bị ngập nước, thủy kích
Một số lưu ý khi đi qua đoạn đường ngập nước
Kiểm tra mực nước
Tài xế trước khi đi qua đoạn đường ngập nước nên xem xét một số yếu tố khi quyết định tiếp tục hành trình, bao gồm độ sâu của mực nước, chướng ngại vật, lối thoát phù hợp, lưu lượng nước.
Có thể tận dụng bánh xe để kiểm tra mức an toàn của mực nước. Độ sâu của nước không nên vượt qua ốp chắn bùn ở bánh xe trước hoặc tâm của la-zăng.
Chọn chế độ lái phù hợp
Trên một số mẫu xe, hệ thống dẫn động bốn bánh có thể dễ dàng kích hoạt. Đầu tiên, về số 0 (số N), sau đó sử dụng tính năng gài cầu điện tử Shift-on-the-fly để chuyển sang chế độ 2 cầu chậm (4L).
Hệ thống dẫn động bốn bánh sẽ được kích hoạt ở cấp số thấp, truyền năng lượng từ động cơ đến bốn bánh xe và hỗ trợ duy trì tốc độ thấp hơn trong dải công suất tối ưu.
Đi chậm, đều ga
Khi gặp các đoạn đường ngập nước, lái xe nên đi số thấp và tắt tất cả các phụ tải như: điều hòa, hệ thống giải trí...để tăng khả năng vận hành của động cơ.
Với xe số tự động, người lái nên chuyển sang chế độ S, ga từ từ và không nên thốc ga. Khi đi đường đông và ngập nước, việc thốc ga và phanh lại có thể khiến nước tràn vào cổ hút, gây ra hiện tượng thủy kích.
Đặc biệt lưu ý là không dừng lại trong vùng ngập. Nếu bắt buộc phải dừng lại, hãy về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục di chuyển, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.
Xử trí khi xe bị ngập nước, thủy kích
Ngập nước
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, vì vậy cần tắt chìa khóa điện ngay lập tức. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mực nước ngập quá cao, tuyệt đối không mở cửa xe, vì nước sẽ tràn vào bên trong, gây hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính và chui ra khỏi xe.
Trường hợp nước mới chỉ ngập vào nội thất chưa nhiều, chưa đủ để gây chập thiết bị điện, người lái có thể lái xe về nhà và tháo cực âm ắc-quy để qua đêm. Sau đó, gọi cứu hộ để mang xe đến các trung tâm sửa chữa để xử lý. Trong tình huống này, cách tốt nhất là sấy khô sàn xe.
Đối với trường hợp nước ngập sâu trong khoang nội thất, người lái cần gọi ngay cứu hộ và đưa xe đến các trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.
Thủy kích
Khi xe bị thủy kích và động cơ chết máy, tuyệt đối không nổ máy lại động cơ. Thay vào đó, chủ xe cần nhanh chóng gọi cứu hộ kéo xe về đại lý chính hãng gần nhất để xử lý.