(Thethao247.vn) - Cổ nhân có câu: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", phương châm của người Việt ấy lại đang được ông thầy người Pháp áp dụng triệt để với cậu học trò Nguyễn Công Phượng.
Nội dung chính
VIDEO: Công Phuợng từ bỏ panenka, sút penalty không cần đà ở cúp QG
“Công Phượng từng phát triển rất nhanh, nhưng hiện đang bị chững lại. Vị trí thi đấu của Phượng khiến lối chơi cá nhân của em ấy được tôn lên. Trong khi đó, Xuân Trường, Tuấn Anh và Đông Triều lại đang không ngừng tiến bộ vì những chấn thương dài hạn nên những em này phải nỗ lực không ngừng". Đó hẳn là những nhận xét khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ của HLV Graechen về Nguyễn Công Phượng.
Không bất ngờ làm sao cho được bởi cả năm nay người ta nhắc nhiều đến Công Phượng chứ Tuấn Anh, Xuân Trường hay Đông Triều có mấy khi được gọi tên một cách rầm rộ.
Công Phượng trong màu áo U19, vòng loại U23 châu Á cho tới SEA Games 28, những giải đấu đó cầu thủ người Nghệ An đều tỏa sáng rực rỡ. Cho tới những giải đấu lớn gần đây, Công Phượng là người được trải qua nhiều thử thách hơn bất kể ai trong số những cái tên kể trên. Không thể phủ nhận cầu thủ mang áo số 44 của HAGL đang phát triển từng ngày cả về tư duy lẫn kĩ năng chơi bóng của mình.
HLV Graechen muốn Công Phương thay đổi thực sự toàn diện
Vậy tại sao thầy Giôm lại có những phát biểu như vậy, phải chăng ông đang muốn "khích tướng" cậu học trò của mình hay đó là một lời góp ý thẳng thắn để Công Phượng nhìn nhận lại thực lực của chính mình.
Trong lời phát biểu của HLV Graechen có ý: "Vị trí thi đấu của Phượng khiến lối chơi cá nhân của em ấy được tôn lên". Đây là nhận xét hoàn toàn chính xác. Việc được chơi ở hàng tiền đạo và thoải mái phô diễn kỹ thuật rồi ghi bàn giúp Công Phượng được giới truyền thông ca tụng hết lời. Trong khi đó những vị trí của Tuấn Anh, Xuân Trường hay Đông Triều lại thầm lặng hơn.
Nhìn lại suốt chặng đường vừa qua ngừi ta có thể đưa ra kết luận về lối chơi của Công Phượng, một lối chơi đã được hình thành trong một thời gian dài. Đó là mẫu cầu thủ tự tin với kỹ thuật và khả năng đột phá của mình. Chính vì thế lối chơi của cầu thủ này cũng trở nên cá nhân và ích kỷ hơn.
Ở trận gặp CAND tại vòng 1/8 cúp Quốc gia vừa qua Công Phượng là một con người như thế. Anh tích cực lùi sâu tìm kiếm bóng và cũng rất tích cực cầm bóng đột phá dù phía trước là cả rừng người đang sẵn sàng ngăn cản. Nhiều tình huống cần chuyền Phượng chưa chuyền, những tình huống ngon ăn nhiều khi bị bỏ qua chỉ bởi một vài giây phút chơi cá nhân.
Làm học trò của HLV Miura không ít lần nhưng sự thay đổi trong cách chơi bóng của Công Phượng dường như là chưa đủ để người ta gọi là nhiều. Dẫu biết rằng có những giây phút cá nhân, ích kỷ mới tạo nên những tình huống nguy hiểm nhưng điều đó vẫn còn hơi nhiều ở trong tư duy chơi bóng của cầu thủ này.
HLV Graechen muốn Công Phượng thay đổi hơn nữa, muốn Phượng chơi đơn giản hơn nữa và ông đã lợi dụng giới truyền thông. Đó là thứ công cụ đã đưa Công Phượng lên cao và HLV Graechen hiểu rằng đó cũng chính là thứ có thể tác động và khiến Công Phượng trở lại với thực tại.
Không ngần ngại chỉ ra điểm yếu và cái chưa được của học trò để giúp họ tiến bộ, dường như ông thầy người Pháp đang áp đụng đúng câu nói của cổ nhân xưa: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi".