Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “new Messi” thì bạn sẽ có được hàng triệu kết quả và đưa ra rất nhiều chỉ dẫn về các “Messi mới” đang chơi bóng trên khắp hành tinh.
Nội dung chính
VIDEO: Đến lượt Suarez bị Messi xỏ háng trên sân tập Barca
Bất chấp Messi xịn còn đang chơi bóng đỉnh cao sờ sờ, thì hàng ngày các Messi mới vẫn… thi nhau ra đời. Tại lò La Masia, chúng ta có thể tìm ra cả lô Messi mới. Tất nhiên, hàng lô thì khó kiểm chứng được chất lượng nhưng cứ đóng nhãn giống Messi là đáng được quan tâm.
Chẳng hạn Munir El Haddadi, số 17 của đội 1 Barca hiện tại, cũng từng được gọi là Messi tái sinh. Ở đội Barca B còn có Lee Seung-woo, được coi là Messi phiên bản Hàn. Giống như El Haddadi, Lee rất hâm mộ Messi, cảm thấy tự hào khi chơi chung CLB được gọi với biệt danh Messi dù họ thừa hiểu mình chỉ là Messi nhái.
Messi có tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới
Trước đó, Barca còn có Messi phiên bản Nhật là tiền đạo Takefusa Kubo mới 13 tuổi. Nhưng dù sao các cầu thủ này cũng chung quy trình đào tạo với Messi và ở góc độ nào đó, việc được phong là Messi mới cũng có thể hiểu được. Nhưng nhiều Messi xuất hiện khắp nơi khiến cho người ta thấy đó là điều không bình thường. Bởi ngay cả Real Madrid cũng có… Messi tái sinh. Takuhiro Nakai, mới ký hợp đồng với Real cách đây 1 năm cũng được gọi là Messi. Như vậy, chỉ riêng Nhật Bản – một nước châu Á cũng có tới 2 Messi tuổi teen.
Các măng non được gắn biệt danh với Messi để khuyến khích phấn đấu thì châm chước được phần nào nhưng ngay cả anh chàng Giannis Fetfatzidis râu ria bờm xờm cũng được gọi là Messi phiên bản Hy Lạp. Song Fetfatzidis không có gì phải thấy khó coi khi nhận danh xưng này vì “Messi phiên bản Ai Cập” còn… già hơn. Walid Soliman năm nay đã 30 tuổi, tức là già hơn cả Messi xịn nhưng vẫn ăn theo đàn em.
Chuyện hài như vậy có khá nhiều. Nếu muốn có thêm những Messi mới đang ngụp lặn ở khắp hình tinh thì bạn có thể tìm họ trên mạng. Có hẳn một trang web “Next Messi” để chuyên giới thiệu các bản sao của số 10. Dĩ nhiên, “hàng lô” thì hiếm khi cho chất lượng tốt!
Chúng ta có bao giờ tự hỏi tại sao thế giới lại lạm phát Messi? Nguyên do từ người hâm mộ nhưng chỉ một phần mà thôi, nguyên nhân chính là từ giới truyền thông. Người hâm mộ không thể bao quát thế giới để nhìn ra những cầu thủ có triển vọng hay tài năng như một ngôi sao được khẳng định tên tuổi. Và kể cả có nhận ra điều đó thì họ cũng không thể ví von là anh A tái sinh, anh B phiên bản mới.
Chỉ có truyền thông với sức mạnh vốn có của mình mới tạo ra được điều này. Thập niên 50, khi truyền thông chưa phát triển thì chúng ta không hề có Puskas tái sinh và đến thập kỷ 70, không có Beckenbauer hay Cruyff phiên bản mới. Thậm chí đến thập kỷ 80 cũng không có nhiều người được coi là truyền nhân của Platini. Nhưng đầu thập niên 90, truyền hình phát triển mạnh mẽ và sang thế kỷ 21, internet giúp công nghệ thông tin bùng nổ mới đẻ ra hiện tượng truyền nhân Maradona và giờ là lạm phát “Messi mới”.
Một bản tin về cầu thủ vô danh thì chẳng ai xem nhưng có dính mác Messi thì sẽ được nhiều người chú ý. Các cầu thủ cũng cảm thấy lên giá hơn khi bắt quàng làm họ với người sang. Như thế “Messi mới” sinh sôi khắp nơi là lẽ đương nhiên.